Trong quá trình thi công xây dựng nhà phố, biệt thự, công tác chống thấm thường bị nhà thầu thi công bỏ quên, hoặc làm không đúng theo quy trình dẫn đến công trình sau khi hoàn thành thường bị thấm gây tổn thất cho chủ nhà rất nhiều cho công tác sửa chữa. Việc chống thấm cho công trình đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự bền vững của công trình, cũng như sự tiện nghi cho người sử dụng trong đó. Không một ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của việc chống thấm trong vấn đề thi công và hoàn thành công trình xây dựng. Từ chính kinh nghiệm thi công của mình cũng những kiến thức đã học hỏi được từ đồng nghiệp và tài liệu chuyên ngành chúng tôi tổng hợp được các thông tin tham khảo hữu ích mong muốn được chia sẻ cùng bạn đọc.
1. Tại sao phải chống thấm cho công trình xây dựng
Nguyên nhân của thấm
Có thể nói, thấm dột là kẻ thù của các công trình xây dựng. Vậy đâu là nguyên nhân khiến thấm nước luôn là nỗi ám ảnh của mỗi công trình?
– Về mặt lý thuyết, các loại vật liệu đều có khoảng cách giữa các hạt được gọi là mao quản. Khoảng cách này dao động trong khoảng 20 đến 40 micromet(1micromet=1/1.000milimet). Khi bề mặt này tiếp xúc với nước, dù ít hay nhiều, nước xâm nhập qua các mao quản gây ra hiện tượng thấm.
– Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với kiểu thời tiết đặc trưng: nóng ẩm, mưa nhiều, nền nhiệt cao, độ ẩm lớn, nhiệt độ chênh lệch lớn… Điều này tạo nên hiện tượng co ngót, cong vênh, giãn nở khác nhau giữa các loại vật liệu xây dựng tạo điều kiện cho nước thẩm thấu vào bên trong kết cấu công trình (trần nhà, móng, tường, tầng hầm…)
– Bản chất của bê tông có tính đàn hồi, giãn nở sẽ đặc chắc, không có mao quản nếu được thi công đúng kỹ thuật, vật liệu thi công đúng quy chuẩn, đúng số lượng. Khi bê tông không thi công đúng tiêu chuẩn sẽ bị nứt, các hạng mục chống thấm không thể hàn gắn đường nứt lớn cũng như tham gia vào kết cấu công trình.
– Trong quá trình khoan khảo sát địa chất công trình không thực hiện một cách đầy đủ, chi tiết, không nắm vững tính chất địa chất của khu vực dẫn đến sai sót trong thiết kế kết cấu công trình, kết cấu móng nền yếu khiến cho công trình bị sụt lún, nứt và thấm.
– Tại những mạch ngừng giữa sàn với chân tường, sàn với sàn – đúc sàn ở hai thời điểm khác nhau, hay điểm tiếp giáp giữa các ống kỹ thuật đi xuyên đà, xuyên sàn đều có phần liên kết lỏng lẻo. Việc thay đổi thiết kế, sửa chữa cũng là nguyên nhân gây thấm nếu không xử lý đúng cách.
– Do sự rò rỉ đường ống nước
Các phần của công trình dễ bị thấm
Đó là những phần tiếp xúc trực tiếp với môi trường, các phần trữ nước. Có thể phân loại như sau:
– Các phần tiếp xúc trực tiêp với đất, mạch nước ngầm: tầng hầm, móng nền, chân tường,..
– Các phần chịu tác động của nước mưa như: mái, tường,…
– Các phần chịu tác động của nước sinh hoạt như: sàn, tường, khu vệ sinh…
– Các khu vực bể chứa
Các vị trí xung yếu cụ thể
Như đã đề cập phía trên đó là các phần công trình dễ bị thấm, để chống thấm cần chú ý các vị trí cụ thể, chi tiết của công trình sau:
– Vị trí mạch ngừng khi đổ bê tông
– Vị trí tiếp giáp giữa khối xây (tường gạch) và kết cấu bê tông
– Vị trí tiếp giáp giữa khối xây trước – sau, khối xây cũ – mới (truờng hợp cải tạo)
– Vị trí tiếp giáp giữa hai khối công trình xây sát nhau
– Vị trí tiếp giáp trên bề mặt có sử dụng các loại vật liệu khác nhau
– Chân các kết cấu, thiết bị chôn hay lắp ráp vào tường (hoa sắt, nan chắn nắng, dây chống sét…)
– Chân các vị trí liên kết định vị tấm mái nhẹ (bu lông, vít)
– Miệng phễu thu thoát nước (ở sàn vệ sinh, sàn ban công, lô gia, sân thượng, mái…)
– Khu vực gần sê nô, máng tràn.
2. Giải pháp chống thấm hiệu quả
Sau đây chúng tôi sẽ đưa ra một số biện pháp, quy trình cho các vị trí cần đặc biệt chú ý chống thấm một cách triệt để nhất:
Chống thấm sàn mái, sân thượng, ban công:
– Như chúng ta đã biết sàn mái, sân thượng là nơi tiếp xúc với ánh nắng hay tia cực tím nhiều nhất, việc bê tông co ngót thường xuyên nên rất dễ bị nứt gây thấm nước. Hiện tượng bê tông co ngót một cách đột ngột gây nứt thường gọi là hiện tượng sốc nhiệt bê tông.
– Vậy để chống thấm sàn mái, sân thượng một cách hiệu quả chúng ta phải sử dụng vật liệu thẩm thấu sâu trong bê tông giúp bê tông liên kết chắc, lấp kín các lỗ mao dẫn bê tông, các vết nứt nhỏ bê tông đồng thời tạo ra lớp chống thấm nước hiệu quả. Đồng thời với tình trạng bê tông thường xuyên bị nứt nẻ hoặc do rung chấn kết cấu thì nên kết hợp sử dụng vữa chống thấm tạo màng . Đây là phương pháp chống thấm sử dụng hai loại vật liệu tốt nhất hiện nay.
Chống thấm nhà vệ sinh, phòng tắm:
– Nhà vệ sinh, phòng tắm là nơi thường xuyên tiếp xúc với nước, nước sinh hoạt thường đọng bên dưới lớp gạch lát nền nên nước thấm qua bê tông sàn nứt, hoặc cổ ống thoát sàn hay hộp kỹ thuật. Nếu nói chống thấm thì chống thấm nhà vệ sinh là một trong những vị trí quan trọng nhất cần chống thấm trong một ngôi nhà, nếu nhà đang sử dụng mà bị thấm do nhà vệ sinh thì công việc xử lý chống thấm lại vô cùng bất tiện, phức tạp và chi phí tốn kém.
– Do nhà vệ sinh thường có nước nên sử dụng dung dịch chống thấm để phun lên toàn bộ sàn cũng như phần chân tường để nước hay hơi ẩm không thể xâm nhập vào, đồng thời kết hợp với các loại vữa chống thấm khác cùng như tạo độ dốc cần thiết để nước thoát là nhanh nhất. Các cổ ống thoát nước sàn và hộp kỹ thuật đặc biệt phải xử lý đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật để đạt hiệu quả chống thấm an toàn và lâu dài nhất.
Chống thấm tầng hầm, bê nước ngầm:
– Chống thấm tầng hầm hay bể nước ngầm là một trong những công việc cực kỳ phức tạp bởi độ khó và áp dụng biện pháp chuẩn ngay từ ban đầu.
– Với các tầng hầm mới thì nên xử lý chống thấm bằng các loại vật liệu ngay từ ban đầu, đặc biệt chú ý các vị trí chân mạch ngừng bê tông, khe co giãn, các vị trí này thì bên nhà thầu xây dựng nên lắp đặt băng cản nước và gioăng trương nở một cách chuẩn mực, đồng thời đổ bê tông thì nên chú ý khéo léo để tránh tình trạng lật băng cản nước hay trôi gioăng trương nở. Đồng thời với tầng hầm thì nên xử lý bằng các vật liệu, hóa chất chuyên dụng chịu được áp lực ngược hay độ sụt lún của kết cấu.
– Với các tầng hầm cũ thì công tác xử lý chống thấm phức tạp và đòi hỏi nhiều chủng loại vật liệu kết hợp, không thể áp dụng những phương pháp đơn giản để xử lý được.
Chống thấm tường nhà
– Chống thấm tường nhà có hai vị trí đó là tường ngoài nhà và tường trong nhà. Chống thấm tường ngoài nhà có rất nhiều các loại sơn chống thấm trộn với xi măng nhưng thường thì độ bền lớp sơn chống thấm không cao, được khoảng 1 -2 năm thì lớp sơn này sẽ bị tia nắng mặt trời phá hủy. Khi chúng ta chống thấm tường ngoài thì nên kết hợp sử dụng 2 loại vật liệu chống thấm đó là dùng sản phẩm thẩm thấu kết tinh phun vào tường sau đó lăn sơn chống thấm bên ngoài cho độ bền 15 – 20 năm. Sản phẩm thẩm thấu kết tinh sẽ thẩm thấu sâu vào trong lớp vữa của tường đồng thời bịt kín các lỗ mao rỗng, vết nứt chân chim của tường, tăng độ liên kết cho vữa tường, đồng thời lớp chống thấm dày từ 10 – 20 mm, nước mưa không thể thẩm thấu qua được lớp chống thấm rất dày này.
– Nếu tường ngoài mà giáp với hàng xóm thì khi trát tới đâu thì hôm sau ta có thể phun sản phẩm thẩm thấu kết tinh ngay phía bên ngoài thì sẽ giúp chống thấm phía tường giáp lai liền kề một cách hiệu quả nhất.
– Chống thấm tường bên trong với các vị trí chân tường hay giáp lai thì sử dụng vữa tinh thể thẩm thấu để quét lên toàn bộ phần tường, vữa này có tác dụng thẩm thấu sâu và tạo ra lớp chống thấm bền vững giúp tường không bị thấm và ẩm mốc sau này
3. Những lưu ý để việc chống thấm cho công trình đạt hiệu quả
Chuẩn bị tường trước khi chống thấm đúng quy trình và tiêu chuẩn
– Phải làm cho bề mặt tường được khô sạch và ổn định.
– Lau sạch, loại bỏ hoàn toàn màng sơn cũ, các chất bẩn, rong rêu, nấm mốc bằng hóa chất thích hợp trong xây dựng.
– Nếu bề mặt quá khô thì phải làm ẩm bằng cách lăn rulo với nước sạch trước khi bắt tay vào thực hiện.
– Trường hợp trên bề mặt tường có sự xuất hiện của những vết nứt nhỏ thì phải đục khe nứt rộng hơn thành hình chữ V sau đó làm sạch bui và trét lại bằng hỗn hợp 5 phần cát, 5 phần xi măng và 0.8 chất chống thấm.
Thế nào là chất chống thấm tốt
Chất chống thấm chính là các chất hóa học có liên kết chặt chẽ với nhau để tạo thành lớp màng ngăn chặn nước xâm nhập vào. Liên kết càng chặt chẽ bao nhiêu thì càng phát huy được hiệu quả chống thấm bấy nhiêu. Do vậy, lời khuyên của chúng tôi là chủ đầu tư nên lựa chọn các sản phẩm chất chống thấm từ các thương hiệu uy tín, lâu đời, được tạo ra từ nền công nghệ tiên tiến, bề mặt chắc chắn, không bị xốp.
Trên đây là một số thông tin chúng tôi xin được chia sẻ đến bạn đọc. Chúc quý vị có được những thông tin tham khảo hữu ích và thiết thực cho vấn đề này.
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!
Email: tuvankitaviet@gmail.com
Zalo: 0918.92.8833
Hotline: 0918.92.8833